Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Nguyễn Văn Minh sinh năm 1956 ở một làng quê cạnh dòng sông Hương thơ mộng, thôn Công Lương, xã Thủy Vân, thành phố Huế – giáp ranh với thôn Vỹ Dạ, một địa danh được nhiều người biết đến qua một bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử.



Anh là thế hệ học trò thứ 3 của dòng họ làm đàn có tiếng ở Huế. Thế hệ thứ nhất có ông Chiêm, thế hệ thứ hai có ông Trương Ngọc Châu, thế hệ thứ 3 có rất nhiều người như Trương Hữu Việt, Trương Hữu Phú, Ngọc Quang, Duy Lạc, Nguyễn Văn Minh…
Lý do anh đến với nghề làm đàn không phải là để tiếp thu một nghề truyền thống của bên ngoại mà là do tình yêu âm nhạc. Không có điều kiện để mua một cây đàn, anh đã vào học nghề ở xưởng làm đàn của người cậu ruột Trương Ngọc Châu, để được ông Châu cho đi học đàn và có được những cây đàn để luyện tập. Anh không nghĩ rằng nghiệp làm đàn gắn bó với anh từ ngày ấy.


Mùa xuân năm 1967, mới 11 tuổi, bàn tay còn quá nhỏ chưa ôm hết cần đàn guitar, mandolin đối với anh là thích hợp nhất. Vừa học nghề làm đàn, vừa học đàn, nhưng đối với anh học đàn là mục đích chính. Rồi từng ngày trôi qua trong xưởng làm đàn, anh bắt đầu có những niềm vui. Anh đã hồi hộp chờ đợi từng cây đàn (làm theo lối thủ công) “ra lò”, anh đã từng vui buồn với những âm thanh của cây đàn do chính mình tạo nên… Và say mê từ lúc nào không hay, để rồi nghề làm đàn gắn bó với anh qua bao thăng trầm của cuộc sống.
Làm nghề phải có cái tâm
Học với nghệ nhân Trương Ngọc Châu theo lối học truyền nghề, anh được xem như một trong những người kế thừa lớp nghệ nhân trước. Ròng rã 9 năm trời, anh đã tiếp thu được những phương pháp, bí quyết làm đàn của người cậu ruột, từ mandolin, guitar cho đến tranh, nguyệt, tỳ, nhị, sáo


Năm 1976, anh chính thức trở thành người thợ làm đàn thực thụ. Sau 3 năm làm việc tại xưởng đàn của cậu gọi là “trả nghĩa”, năm 1979, được sự cho phép của “sư phụ”, anh cùng 2 người em họ (cũng là hai đồng môn) là Nguyễn Duy Linh và Ngọc Quang hợp lại, lập một xưởng đàn riêng lấy tên là Tam Hiệp. Giải thích về cái tên này, anh Minh nói rằng “Tam: 3 (người); Hiệp: hợp (lại với nhau)”. Nhưng khi trình bày với thầy Châu, ông Châu đã sửa chữ “Tam” thành chữ “Tâm” (tâm đức), vì ông nói rằng làm nghề cần phải có “tâm” và cái “tâm” phải đi đầu. Thế là xưởng đàn Tâm Hiệp ra đời tại 4E/1 Nguyễn Tri Phương, Huế. Việc làm ăn cũng không có gì trắc trở nhưng cũng chẳng có gì lạc quan cho một tương lai khởi sắc, bởi vì Huế là một thành phố nhỏ, việc tiêu thụ đàn cũng có giới hạn.


Năm 1981 có thể nói là năm đánh dấu bước biến chuyển quan trọng trong sự nghiệp của anh, khi nhạc sĩ Quốc Dũng, trong một chuyến biểu diễn tại Huế đã đi tham quan các tiệm đàn của đất thần kinh. Nguyễn Văn Minh quen biết với Quốc Dũng từ đó.
Cuối năm 1981, anh vào Sài Gòn. Rất nhiều khó khăn, từ nhà ở, vốn liếng, tuổi đời, thương hiệu… anh không thể sánh với các “đại gia” làm đàn ở Sài Gòn thời bấy giờ. Nhưng với quyết tâm của tuổi trẻ, với sự cầu tiến và biết học hỏi những điều hay của mọi người để làm phong phú cho mình, anh đã xây dựng cơ nghiệp tại Sài Gòn với bước khởi nghiệp vô cùng khó khăn.
Thời gian đầu, anh tá túc và mở xưởng đàn ngay tại nhà nhạc sĩ Quốc Dũng (62 Trần Hưng Đạo, quận 1), thời gian này chủ yếu là làm đàn cho Quốc Dũng để Quốc Dũng biếu tặng bạn bè. Đến đầu năm 1982, Nguyễn Văn Minh thuê mặt bằng ở 18 Nguyễn Thiện Thuật, khai trương cửa hàng bán đàn mang tên Tâm Hiệp (tên của tiệm đàn mà anh đã lập tại Huế). Anh qui tụ một số anh em trong dòng họ tại Huế vào, chiêu mộ thêm những thợ giỏi tại Sài Gòn, trong đó có một số con cháu của những tiệm đàn lớn, nổi tiếng. Cửa hàng Tâm Hiệp tại phố đàn Nguyễn Đình Chiểu được nhiều người biết đến. Anh là đầu mối chuyên cung cấp đàn cho các cửa hàng bán đàn của gần 40 tỉnh thành trên toàn quốc.


Vận hội thật sự đến từ khi Nhà nước mở cửa thị trường, anh may mắn là một trong 500 khách hàng miễn phí được đưa những thông tin của mình lên một trang web ở Tp.HCM. Cũng từ đó, nhiều khách hàng ngoại quốc biết đến tiệm đàn của anh. Anh đã thực hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu (ủy thác) cho một số khách hàng kinh doanh đàn thùng ở Canada, Pháp, Thụy Sĩ, Đài Loan. Cũng nhờ các nhà kinh doanh này giới thiệu mà một số hãng bán vật liệu, phụ kiện làm đàn trên thế giới xem anh là khách hàng của họ. Họ thường xuyên gởi cho anh những thông tin cập nhật về nguyên vật liệu mới, những kỹ thuật hiện đại của nghệ thuật chế tạo đàn. Đó cũng là điều kiện tốt để anh nghiên cứu nâng chất lượng âm thanh cho những cây đàn của xưởng mình.
Hiện nay, xưởng làm đàn của anh đặt ở quận 8, hai cửa tiệm bán sản phẩm tại quận 3. Nói về cái “tâm”, anh cũng đã tham gia tài trợ cho các cuộc thi “Tài năng trẻ guitar” Tp.HCM mở rộng. Nhưng điều thể hiện cái “tâm” thiết thực nhất đối với anh là việc tạo ra các cây đàn guitar có chất lượng tốt để thoả mãn nhu cầu của sinh viên học sinh, giới bình dân với giá khá “bèo”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét